Kể Chuyện Cảnh Giác Truyền Thanh

Kể Chuyện Cảnh Giác Truyền Thanh

(HQ Online) - Nhiều đối tượng giả danh, lừa bán xe thanh lý của cơ quan Hải quan để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.

Cảnh giác lừa đảo thi hộ chứng chỉ tiếng Anh

Lợi dụng nhu cầu cần chứng chỉ ngoại ngữ của người dân, một số đối tượng lừa đảo lập ra dịch vụ “thi hộ chứng chỉ tiếng Anh”, không ít người đã trở thành nạn nhân.

Các dịch vụ ‘thi hộ tiếng anh’ sẽ liên hệ trực tiếp và thông báo giá cả cho việc thi hộ.

Những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu của sinh viên, học viên về chứng chỉ tiếng Anh, trên các trang mạng xã hội như Facebook xuất hiện tràn lan các quảng cáo về dịch vụ “thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ”, nhất là chứng chỉ tiếng Anh bậc B1, B2, C1, C2 để đủ điều kiện xét tốt nghiệp đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Chứng chỉ tiếng Anh cũng là yếu tố bắt buộc để được đi du học, là điều kiện quan trọng để tìm việc làm, thi công chức, viên chức Nhà nước... nên rất nhiều người có nhu cầu.

Chỉ cần lướt qua mạng xã hội Facebook, người dùng sẽ tìm thấy hàng loạt trang quảng cáo dịch vụ thi hộ chứng chỉ tiếng Anh, như: “Bao thi TOEIC-IELTS-PTE”; “Hỗ trợ thi hộ chứng chỉ IELTS-TOEIC-PTE”; “Hỗ trợ chứng chỉ PTE-TOEIC-IELTS toàn quốc”, “Dịch vụ ngoại ngữ”...

Tất cả các trang Facebook này đều cam kết sẽ bảo đảm đạt điểm mong muốn ngay lần thi đầu tiên, “học viên” chỉ thanh toán tiền sau khi nhận chứng chỉ... Trong số đó, có những trang “mạnh dạn” nhận "thi hộ chứng chỉ Tiếng Anh, IELTS-PTE-TOEIC, nhận bằng cấp tốc”, “Cam kết đạt 7.5 IELTS trong 3 ngày, không cần học, chỉ cần thi là đậu”, “thi hộ nhận bằng hoả tốc thanh toán sau”...

Dịch vụ “Thi hộ tiếng Anh” được quảng cáo tràn lan trên mạng.

Mỗi bài đăng quảng cáo nói trên nhận về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bình luận quan tâm hỏi giá, cách thức thi hộ. Tuy nhiên, chủ nhân của các trang này đều yêu cầu nhắn tin riêng hoặc gửi số điện thoại để liên hệ trên Zalo, không trao đổi công khai ngay dưới bài đăng và nếu có bình luận nào ảnh hưởng tiêu cực đến việc quảng cáo sẽ bị gỡ bỏ.

Trong vai một người cần chứng chỉ tiếng Anh B2, chúng tôi liên hệ với trang Facebook “Thi hộ tiếng Anh”. Sau khi nhắn tin cung cấp số điện thoại, chúng tôi được một “nhân viên tư vấn” qua Zalo với thái độ rất nhiệt tình. Theo đó, bên hỗ trợ thi hộ sẽ đăng ký thi cho người có nhu cầu và một “giảng viên thi hộ” tại cùng một địa điểm thi. Khi làm xong thủ tục vào phòng thi như lấy dấu vân tay, check camera... và thực hiện quy trình “lưu camera” trong phòng thi, sẽ có giám thị (đã được bên tổ chức thi hộ “bôi trơn” trước đó) hỗ trợ đổi vị trí giữa hai người để “giảng viên thi hộ” thực hiện 3 phần thi listening (nghe), reading (đọc), writing (viết). Riêng phần thi speaking (nói), do được thu âm nên không thể thi hộ, tuy nhiên, bên tổ chức thi hộ sẽ hỗ trợ phúc khảo. Giá trọn gói của “dịch vụ” thi hộ có mức từ 7 - 15 triệu đồng (chưa tính lệ phí thi 1,8 triệu đồng theo quy định).

Để tạo dựng lòng tin của “khách hàng”, trên các trang Facebook, Zalo cá nhân, các đối tượng còn đăng tải nhiều hình ảnh chụp tin nhắn báo đỗ, chứng chỉ của các “khách hàng” từng được hỗ trợ thi hộ IELTS, PTE, TOEIC, Vstep, Aptis...

Anh Nguyễn Hoàng Long (xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hoá) cho biết: “Tôi cần chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 để học thạc sỹ, thấy trên Fabook có quảng cáo “Thi hộ chứng chỉ tiếng Anh” nên tôi đăng ký. Bên kia liên lạc và cho biết giá thi hộ chứng chỉ trình độ B1 là 10 triệu đồng, yêu cầu tôi chuyển khoản trước 2 triệu đồng để làm thủ tục thi. Sau đó vài ngày, họ yêu cầu tôi chuyển thêm 3 triệu đồng để hỗ trợ ôn thi và mua tài liệu tham khảo. Và lần thứ 3 thì yêu cầu tôi chuyển thêm 2 triệu đồng tạm ứng cho “giáo viên” thi hộ. Sau 3 lần chuyển tiền, tôi có hỏi về lịch thi thì họ nói là phải chuyển thêm 2 triệu đồng nữa, tôi không đồng ý thì họ nói nếu không chuyển thì xem như mất các số tiền đã đặt cọc trước đó. Sau đó, tôi liên hệ để đòi lại tiền thì số điện thoại của họ không liên lạc được, Zalo tư vấn ban đầu của họ cũng đã khoá, lúc này tôi mới biết mình bị lừa”.

Người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Trịnh Văn Hùng, giáo viên dạy tiếng Anh ở một Trung tâm ngoại ngữ tại TP Thanh Hoá, cho biết: “Hội đồng Anh đã có những quy định nghiêm ngặt nên việc thi hộ chứng chỉ tiếng Anh là điều không thể. Việc học viên nộp 1,8 triệu đồng để đóng lệ phí thi là đúng quy định. Tuy nhiên, vì muốn thu hút đông học viên nên nhiều trung tâm đã quảng cáo là “thi hộ” hoặc “hỗ trợ” thi và tổ chức ôn thi với chi phí khá cao. Thực chất đây là một hình thức lôi kéo, dụ dỗ người học mà thôi. Việc học chủ yếu qua hình thức trực tuyến với giáo viên không rõ lai lịch, trình độ nên chất lượng không đảm bảo. Các thí sinh khi đi thi sẽ phải tự túc làm bài thi mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào khác. Nếu thi trượt học viên sẽ mất 1,8 triệu đồng lệ phí thi và tiền ôn thi. Vì vậy, học viên nên cân nhắc kỹ càng trong việc lựa chọn trung tâm để ôn thi, tránh tình trạng mất tiền mà không giải quyết được công việc cho mình".

Trong trường hợp đã chuyển tiền cho các đối tượng cam kết “thi hộ chứng chỉ tiếng Anh”, cam kết “bao đậu”, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan Công an để tiến hành tố giác tội phạm. Khi thực hiện việc tố giác tội phạm, người dân cần mang theo các đoạn ghi âm cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, các đoạn chat trên Facebook, Zalo, biên lai chuyển khoản... làm chứng cứ cung cấp cho các điều tra viên để tiến hành xác minh, điều tra theo đúng quy định của pháp luật.