Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Tiêu chí Tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách
Tổ hợp tác được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a- Tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật Hợp tác xã;
b- Tiêu chí theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 của Luật Hợp tác xã;
c- Đáp ứng một trong các tiêu chí sau tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ: Số lượng thành viên tăng trong 02 năm liên tiếp liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; có ít nhất 5% tổng số thành viên, người lao động được tham gia các lớp giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn do tổ hợp tác tự tổ chức hoặc do các cơ quan, đoàn thể, tổ chức khác tổ chức và đã được cấp chứng nhận tham gia khóa học hoặc có danh sách thành viên, người lao động tham gia khóa học có xác nhận của tổ hợp tác (đối với các khóa học do tổ hợp tác tự tổ chức, thì tổ hợp tác phải có kế hoạch tổ chức khóa học, nội dung khóa học và danh sách khóa học có chữ ký của người tham gia khóa học) tính đến thời điểm năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ; đã thành lập không quá 36 tháng tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư tính đến thời điểm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ.
Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định nhiều chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thông tin; chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn và hoạt động xúc tiến thương mại của bộ, ngành, địa phương tổ chức trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc;
Hỗ trợ kinh phí áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hợp đồng liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
Hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ kinh phí tham gia chương trình sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mức kinh phí hỗ trợ cụ thể thực hiện từng chính sách do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với định hướng ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ và quy định của pháp luật.
Với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Nhân dân Việt Nam sự ủng hộ to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là nguồn lực quý báu, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quan hệ Việt Nam - Liên Xô được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp từ lâu. Trong kháng chiến chống Pháp, Liên Xô là một trong hai nước chủ yếu viện trợ cho Việt Nam. Tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô, Bạn đã ký với Ta một số hiệp định cho vay và viện trợ không hoàn lại. Theo đó, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Rúp để thực hiện kế hoạch 3 năm (1955 - 1957); trong đó, 171 triệu Rúp để nhập toàn bộ thiết bị xây dựng các nhà máy điện, hệ thống đường dây điện, trạm biến áp; 229 triệu Rúp để nhập máy móc lẻ và hàng hóa phục vụ nông nghiêp, cải thiện đời sống. Từ năm 1958 - 1960, Liên Xô cho Việt Nam vay tín dụng dài hạn 450 triệu Rúp (100 triệu Rúp để thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960); 350 triệu Rúp để mua trang thiết bị máy móc xây dựng mới 19 nông trường và củng cố 27 nông trường đã có, chuyên sản xuất chè, cà phê, cao su, chuối, dứa... phục vụ xuất khẩu). Liên Xô còn giúp xây dựng 21 đài khí tượng, 156 trạm thủy văn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong kế hoạch 5 năm (1961 - 1965), Liên Xô đã ký với Việt Nam các hiệp định: Hiệp định về việc Liên Xô giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân từ năm 1961 - 1965; Hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ về kinh tế và kỹ thuật, cung cấp thiết bị và vật liệu cho Việt Nam xây dựng một số xí nghiệp, công trình công nghiệp... Theo các hiệp định này, Liên Xô giúp Việt Nam 460 triệu Rúp, gồm các khoản vay tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ Việt Nam các thiết bị kỹ thuật, vật liệu để xây dựng các nhà máy, công trình dân dụng. Đến cuối năm 1964, Liên Xô đã giúp Việt Nam cải tạo và xây dựng 43 công trình công nghiệp, 46 nông trường quốc doanh và một số trường đại học, bệnh viện... Trong đó, đáng chú ý là các nhà máy điện Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ, Phả Lại, Tà Sa, Nà Ngần, với tổng công suất 71.000 KW và 8 đường dây tải điện với tổng chiều dài 130 km; nhiều công trình khai khoáng, chế biến thực phẩm như: Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ apatít (Lào Cai), nhà máy cá hộp Hải Phòng... Quan hệ Việt - Xô được phát triển lên tầm cao mới sau chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Cô-Xư-Gin (2/1965). Từ năm 1965 - 1975, Liên Xô đã ký với Việt Nam 12 hiệp định, trong đó có 7 hiệp định về việc Liên Xô "giúp đỡ thêm" và "viện trợ thêm không hoàn lại" cho Việt Nam. Tháng 4/1967, Việt Nam yêu cầu Liên Xô viện trợ khẩn cấp 15 vạn tấn lương thực, Liên Xô giúp ngay 15 vạn tấn bột mỳ. Năm 1968, Liên Xô viện trợ cấp tốc cho Việt Nam 160 triệu Rúp để tăng cường nguồn lực cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Để giúp Nhân dân Việt Nam nhanh chóng khôi phục kinh tế sau chiến tranh phá hoại lần thứ hai, tháng 7/1973, Liên Xô quyết định xóa nợ cũ từ năm 1973 trở về trước cho Việt Nam (khoảng 1,3 tỷ Rúp); cho Ta vay 9 triệu Rúp không tính lãi và đề nghị xây dựng mối quan hệ kinh tế trên cơ sở bình thường giữa các nước với nhau. Đây là quyết định rất quan trọng, thể hiện tình hữu nghị, sự cảm thông, chia sẻ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô với Nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ, trợ giúp Nhân dân Việt Nam khôi phục nền kinh tế miền Bắc và đẩy mạnh công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam. Liên Xô còn giải quyết một số nhu cầu bức thiết của Việt Nam trong giai đoạn 1973 - 1975 như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, xe hơi, máy kéo, vải vóc… (năm 1974, Liên Xô đáp ứng tăng 20% nhu cầu kinh tế so với năm 1973). Khi miền Nam sắp được giải phóng, lường trước những khó khăn của Việt Nam sau chiến tranh, ngày 25/4/1975, Chính phủ Liên Xô quyết định viện trợ không hoàn lại bổ sung cho Việt Nam năm 1975, gồm lượng lớn hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, thuốc men…; đồng thời, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa như ô tô, gạo, bột mì, xăng dầu cho Việt Nam theo các hiệp định đã ký kết. Các tổ chức như Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô, Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin, Hội chữ thập đỏ, trăng lưỡi liềm đỏ Liên Xô, Ủy ban ủng hộ Việt Nam, Quỹ hòa bình Liên Xô... gửi gấp lương thực, thuốc men, hàng thiết yếu trị giá trên 1 tỷ Rúp, giúp Nhân dân vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tính chung, từ năm 1955 - 1975, Liên Xô viện trợ về kinh tế - kỹ thuật cho Việt Nam trị giá khoảng 2.176.051.000 Rúp, đảm bảo 1/2 thiết bị, máy móc, 1/3 nguyên, nhiên, vật liệu; 1/3 hàng tiêu dùng (có 1/3 hàng nhập khẩu về thép, 1/2 về kim loại màu, 1/2 xăng dầu, 1/2 phân bón, 1/2 xe vận tải, 1/2 máy kéo và máy ủi, 2/5 lương thực). Với nguồn lực này, Liên Xô đã xây dựng cho Việt Nam 135 xí nghiệp công nghiệp và dân dụng, gồm: 46 công trình ngành điện lực, 5 công trình ngành khai khoáng, 19 công trình ngành cơ khí luyện kim, 41 công trình ngành giao thông, 1 công trình ngành hóa chất, 3 công trình ngành vật liệu xây dựng, 20 công trình ngành nông nghiệp. Đến cuối những năm 60 của Thế kỷ 20, các nhà máy, xí nghiệp do Liên Xô xây dựng ở miền Bắc Việt Nam đã sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, trên 80% máy cắt kim loại và 100% sản lượng khai thác các loại quặng apatít, thiếc và super phốt phát...; góp phần quan trọng xây dựng và tăng cường tiềm lực kinh tế - quốc phòng của hậu phương lớn miền Bắc.
Ngoài ra, từ năm 1955 - 1974, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng mới Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp I; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới một số trường dạy nghề khác và giúp đào tạo nguồn nhân lực. Đến đầu những năm 70, đã có trên 7.000 người Việt Nam được học tập và công tác tại Liên Xô; trong đó 4.500 người được đào tạo trong các trường đại học của Liên Xô. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước; nhiều người sau này đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực. Liên Xô còn đưa nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật giàu kinh nghiệm giúp ta; riêng giai đoạn 1955 - 1960 có 1.547 chuyên gia sang giúp xây dựng, phát triển kinh tế và đào tạo nghề tại chỗ cho 7.000 người.
Cùng với viện trợ kinh tế - kỹ thuật, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả về quân sự, nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, quân sự cho kháng chiến. Từ năm 1965 - 1968, Liên Xô viện trợ quân sự cho Việt Nam 226.969 tấn hàng, trị giá 1.173 triệu Rúp. Đây là giai đoạn Liên Xô viện trợ cao nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1967 là năm Liên Xô viện trợ quân sự lớn nhất cho Việt Nam, khoảng 416 triệu Rúp, chủ yếu là vũ khí, khí tài như: máy bay chiến đấu MiG 17, MiG 21, IL28, máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, 6.000 súng phòng không và tên lửa đất đối không, 200 - 250 bệ phóng tên lửa cùng hàng nghìn súng phòng không các loại; một số xe tăng, pháo binh… Năm 1968, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 357 triệu Rúp (khoảng 369,7 triệu USD), chiếm 60% viện trợ mọi mặt. Ngoài ra, Liên Xô còn đề nghị gửi sang Việt Nam: 01 lữ đoàn tên lửa, 02 trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật bảo đảm, 01 phân đội máy bay MiG 21 (có 12 máy bay chiến đấu) để bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Song, Bộ Chính trị quyết định không nhận các đơn vị này mà chỉ đề nghị Liên Xô giúp trang bị và cử chuyên gia sang giúp.
Những năm 1969 - 1972, Liên Xô viện trợ quân sự không hoàn lại cho Việt Nam 143.793 tấn hàng, chủ yếu là vũ khí, khí tài phòng không - không quân, xe tăng, pháo binh... phần lớn là mới, hiện đại; góp phần quan trọng tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, nhất là trong bảo vệ tuyến chi viện chiến lược 559 và làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội" cuối tháng 12/1972. Ngoài ra, Liên Xô còn giúp các thiết bị cho các xưởng, trạm sửa chữa, thiết bị cho các nhà trường, viện nghiên cứu quân sự...
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổng khối lượng hàng quân sự các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ Việt Nam là 1.992.452 tấn; trong đó Liên Xô viện trợ 513.582 tấn, chiếm khoảng 26% tổng số viện trợ quân sự của Việt Nam.
Ngoài ra, Liên Xô đã cử nhiều chuyên gia sang giúp Quân đội ta. Từ tháng 7/1965 - 12/1974 đã có 6.359 sỹ quan và 4.500 binh sỹ Xô Viết đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, 13 chuyên gia đã hy sinh, 2.190 chuyên gia quân sự được tặng thưởng các huân chương và huy chương của Nhà nước Xô Viết, hơn 3.000 chuyên gia quân sự được tặng thưởng huân chương và huy chương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Liên Xô còn giúp quân đội ta đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Những năm 1965 - 1966, Liên Xô đào tạo cho quân đội ta khoảng 8.000 người (riêng năm 1966 đào tạo 2.600 người) thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.
Từ năm 1955 - 1975, Liên Xô viện trợ về kinh tế - kỹ thuật trị giá khoảng 2.176.051.000 Rúp, chiếm 29% tổng số viện trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam (Trung Quốc 52%, các nước xã hội chủ nghĩa khác 19%). Còn trong tổng số viện trợ quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam, ước tính khoảng 2.362.682 tấn hàng hóa, trị giá khoảng 7 tỷ Rúp, thì phần lớn là của Trung Quốc (50% tổng số đó) và Liên Xô. Trung bình mỗi năm, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam khoảng 700 - 800 triệu Rúp. Đảng, Nhà nước Liên Xô khẳng định viện trợ cho Việt Nam được thực hiện trên cơ sở hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Xô Viết, tuân thủ các hiệp ước, thông lệ quốc tế, trên tinh thần tương trợ anh em và tình cảm quốc tế sâu sắc.
Những kết quả đó bắt nguồn từ đường lối độc lập, tự chủ; chính sách ngoại giao trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, mềm dẻo, linh hoạt, có tình, có lý của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, có thời điểm Liên Xô và Trung Quốc có những bất đồng nghiêm trọng và cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Mỹ đẩy lên tới mức ác liệt nhất, nhưng sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác dành cho Nhân dân Việt Nam vẫn được bảo đảm. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ 4 của Đảng chỉ rõ: "...Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam", trong đó "...Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, đã vì tình nghĩa quốc tế vô sản, dành cho Nhân dân ta sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu".
Sau sự kiện ngày 19/8/1991, Liên Xô tan rã. Nh¬¬ưng sự giúp đỡ quốc tế to lớn, hiệu quả mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là vô giá; các thế hệ người Việt Nam mãi biết ơn và trân trọng./.
1. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977.
2. Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2001.
3. Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.