Bhutan được biết tới với biệt danh “vùng đất Rồng Sấm”, bởi các cơn bão dữ dội và khắc nghiệt luôn tấn công nơi này. Đây là tên do người bản địa đặt từ thế kỷ XIII. Quốc kỳ đất nước này cũng có hình con rồng màu trắng nằm trên nền cam, vàng. Con rồng này tượng trưng cho sự thanh khiết và lòng trung thành. Những viên ngọc đại diện cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan.
Quốc gia nào nằm cao nhất thế giới?
Bhutan là quốc gia có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới, khoảng gần 3.300m so với mực nước biển. Phần phía Bắc của Bhutan là các đỉnh núi cao, sắc nhọn của dãy Himalaya, trong đó có Gangkhar Puensum là đỉnh núi cao nhất với độ cao gần 7.600m. Phía Nam của Bhutan bao gồm các khu vực đồi núi, cao nguyên, thung lũng và là nơi cư trú của phần lớn cư dân Bhutan.
Ngoài Bhutan, một số quốc gia khác cũng có độ cao địa hình trung bình đứng đầu thế giới là Nepal, Tajikistan, Afghanistan…
Quốc gia này nằm ở châu lục nào?
Bhutan là quốc gia không giáp biển ở châu Á, có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ. Diện tích của Bhutan là gần 38.400km2, dân số hơn 790.000 người, theo Worldometers. Thủ đô của nước này là Thimphu, cũng là thành phố lớn nhất Bhutan, nằm ở độ cao 2.334m so với mực nước biển.
Quốc gia nào có độ cao trung bình thấp nhất?
Maldives là đảo quốc có độ cao trung bình thấp nhất. Với diện tích 298km2, đây cũng là quốc gia nhỏ nhất châu Á và bằng phẳng nhất thế giới. Quốc gia này gồm 26 đảo san hô bao vòng quanh 1.192 đảo nhỏ, trong đó có 200 đảo có người sinh sống, 80 đảo là nơi du lịch nghỉ mát. Theo World Atlas, độ cao địa hình trung bình của Maldives so với mực nước biển chỉ là 1,8m, điểm tự nhiên cao nhất cũng chỉ khoảng 2,4m.
Thác Angel là thác nước cao nhất trên cạn với chiều cao 979 m và chiều rộng 150 m ở đáy, tương đương 3 tháp Eiffel xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, thác Angel không phải thác nước lớn nhất thế giới. Danh hiệu đó thuộc về thác nước eo biển Đan Mạch, khối nước dốc thẳng xuống ở eo biển giữa Greenland và Iceland, có nghĩa thác nước lớn và cao nhất thế giới này nằm dưới nước, theo Live Science.
Điều đó có thể xảy ra bởi chênh lệch nhiệt độ và độ mặn cung cấp sức mạnh cho phần lớn dòng hải lưu đại dương, theo Anna Sanchez Vidal, giáo sư khoa học hàng hải ở Đại học Barcelona tại Tây Ban Nha. Eo biển Đan Mạch vắt qua Vòng cực Bắc, đóng vai trò như chiếc phễu để nước vùng cực đổ từ các biển Bắc Âu vào Đại Tây Dương. Nhưng giống như mọi nơi khác trong đại dương, nước trong khu vực không đồng nhất.
Ở phía bắc eo biển Đan Mạch, nước bề mặt tiếp xúc với không khí Bắc Cực lạnh giá và trở nên lạnh hơn do một phần nước đóng băng, dẫn tới muối tập trung ở khu vực không đóng băng. Nước biển mặn và lạnh đặc hơn nước ấm, do đó chìm xuống đáy biển, trong khi lớp nhẹ hơn nổi lên bề mặt. Sự trao đổi này tiếp năng lượng cho dòng hải lưu sâu chảy về phía nam qua eo biển, đổ vào biển Irminger ở Bắc Đại Tây Dương.
Tất nhiên, những thác nước luôn có vách đá hoặc đường dốc, và eo biển Đan Mạch không phải ngoại lệ. Một gờ dốc 3.500 m ở đáy biển gần mũi phía nam Greenland được tạo ra bởi sông băng cách đây 11.500 - 17.500 năm, trong kỷ Băng Hà cuối cùng. Nước ở đáy biển chảy về hướng nam qua eo biển lao qua rìa gờ dốc và đổ xuống theo sườn của nó, tạo thành thác nước bên dưới lớp nước bề mặt ấm hơn của biển Irminger.
Dù đáy biển dốc xuống hơn 3.500 m, phần nước chảy tràn chỉ cao khoảng 2.000 m, gấp đôi chiều cao của thác Angel, do đổ vào một hồ sâu chứa nước lạnh và đặc. Thác nước này rất ấn tượng do không giống thác nước trên cạn, theo Mike Clare, trưởng nhóm hệ thống địa chất hàng hải tại Trung tâm hải dương học quốc gia của Anh ở Southampton. Ví dụ, phần nước chảy tràn rộng bằng eo biển Đan Mạch, có nghĩa nó trải rộng trên 480 km đáy biển. Kết quả là nước chảy xuống ở tốc độ chỉ khoảng 0,5 m/s, chậm hơn nhiều so với tốc độ đi bộ và thua xa tốc độ dòng chảy ở thác Niagara (109 km/h), hay 30,5 m/s.
Nước lạnh chảy qua eo biển Đan Mạch là một phần trong hệ thống hải lưu đại dương có tên Atlantic Meridional Overturning Circulation (AMOC), đưa nước ấm về hướng bắc và nước lạnh về hướng nam theo hình vòng tròn dài ở Đại Tây Dương. Sau khi rời khỏi eo biển Đan Mạch, nước lạnh tiếp tục hành trình về hướng nam tới Nam Cực, ấm dần và nhô lên mặt biển (gọi là nước trồi) rồi quay trở lại để hoàn thành chu kỳ ở Bắc Cực.
Vidal chia sẻ hiện nay, thác nước đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Chỏm băng tan chảy và đại dương ấm lên bơm nhiều nước ngọt vào hệ thống, làm chậm tốc độ của AMOC. Nếu AMOC không còn di chuyển, thác nước eo biển Đan Mạch sẽ bị giảm mật độ và ngừng chảy.
Thủ đô nước nào cao nhất thế giới?
Thủ đô của Bhutan lọt nhóm những thủ đô cao trên thế giới, nhưng chưa phải cao nhất. Thủ đô La Paz của quốc gia Nam Mỹ Bolivia, nơi đặt trụ sở chính phủ, ở độ cao khoảng 3.640m và là thủ đô cao nhất thế giới. Trong khi đó, thủ đô lập hiến, nơi đặt trụ sở tối cao pháp viện của Bolivia cũng ở độ cao 2.810m. Thủ đô cao thứ hai thế giới là Quito của Ecuador. Xếp thứ 3 là Thimphu của Bhutan…